Có lẽ tôi có cái duyên kì lạ với tiêu cự 50mm. Không ai cầm máy ảnh mà chưa từng trải qua góc nhìn của 50mm, trên khổ 135 tiệu cự này cho trường ảnh gần nhất với những gì mắt người thu nhận được. Là con số trung lập giữa Wide và Tele, nó đã từng phổ biến đến mức trở thành ống kính tiêu chuẩn và được bán kèm hộp trên rất nhiều máy ảnh trước đây.
Cảm giác mà 50mm mang lại không gần gũi như 35mm về trước hay xa cách như 85mm về sau, nếu 50mm có nhân cách nó sẽ là một nhân vật mẫu mực, không quá sôi động hay trở nên nội tâm. Bởi vậy những hình ảnh được tái hiện qua tiêu cự này tái tạo một cảm giác thân thiện, dễ chịu và êm dịu. Nhờ đó nội dung dễ dàng được tập trung mà không bị ảnh hưởng bởi những biến dạng quang học.
Tôi thừa nhận mình có một định kiến không nhỏ với những ống kính hãng thứ 3 như Tamron, Sigma, Samyang hay Tokina… với tôi chúng thường là những ống kính rẻ tiền, có chất lượng quang học trung bình và kết cấu lỏng lẻo không đáng tin. Định kiến đó chỉ bớt đi khi sử dụng dòng Art của Sigma mà dùng nhiều nhất là chiếc 35mm; nhưng vẫn chưa hoàn toàn hài lòng do khả năng lấy nét của chúng vẫn có vấn đề.
Bắt đầu chụp với ống kính Tokina opera 50mm từ trung tuần tháng 5. Tôi đã có cơ hội trải nghiệm nó với nhiều thể loại hình ảnh, nhiều cỡ cảnh, nhiều đối tượng, 4 job chụp với nhiều trải nghiệm về môi trường, từ studio đến nghèo nàn về ánh sáng. Có lẽ đây là kẻ đã khiến chiếc Nikkor 50mm f1.4G của tôi trở nên xấu hổ.
1. Auto Focus:
Tokina opera 50mm cho khả năng lấy nét ấn tượng khi bất kì điểm lấy nét nào trong 51 điểm của Nikon D810 cũng không bị bỏ cuộc. Các trường hợp ánh sáng cực yếu khi tôi phải đẩy ISO lên 3200, chỉ cần chút tương phản chiếc máy sẽ lấy nét thành công. Không như anh bạn Nikkor khi đủ sáng vẫn liên tục lấy nét trong vô vọng nếu điểm lấy nét không phải Cross point, với tỉ lệ đậu chỉ khoảng 75%. Shame on you!
Do chụp báo chí nên tỉ lệ lấy nét thành công rất quan trọng. Một chiếc lens tốt sẽ giúp tôi không phải liên tục check nét khi chụp.
2.Sharpness:
Tokina opera có tới 15 thấu kính trong 8 nhóm và là thế hệ ống kính độ phân giải cao có thể đáp ứng cuộc chạy đua vũ trang về Megapixel nên không nghi ngờ độ nét của nó. Ảnh của chụp từ nó nét phát điên và không khiến tôi phải liên tục check nét như trước đây.
3. Quang Sai:
Hầu như các khái niệm về Quang Sai như sắc sai, cầu sai... đều không xuất hiện trong suốt quá trình sử dụng. Kể cả hình ảnh ngược sáng. Nếu muốn vignette (tối viền) bạn phải thêm hiệu ứng trong hậu kì vì lens này hầu như không có.
4. Build:
Kết cấu và độ hoàn thiện của dòng Tokina opera được làm rất tốt, nó có cảm giác của một khối vật chất hơn do tối thiệu độ rơ và dịch chuyển giữa các cơ phận.
Nhược điểm:
Lens nặng gần 1 kilogram, gấp 3 lần lens Nikkor 50mm f1.4G
Quá nét
Giá cao
Kết Luận:
Thay đổi định kiến hay giết chết một thói quen chưa bao giờ là dễ dàng nhưng bằng việc ra mắt dòng lens opera, hãng ống kính với lịch sử gần 70 năm tuổi này đã làm được điều đó.
Xin mời xem ảnh 🙂
P/s: Tôi đã đề cập là chiếc Tokina opera 50mm này được sản xuất ở Việt Nam chưa nhỉ ?